Tác giả: T. Trinh - 22/05/2021
A A
“Chìa khóa” xây dựng niềm tin người tiêu dùng
Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, sự cạnh tranh không chỉ xuất hiện khi hàng hóa Việt Nam đi ra thế giới mà còn ở ngay thị trường nội địa, khi hàng hóa thế giới xâm nhập thị trường Việt Nam. Bên cạnh yêu cầu ngày càng cao về chất lượng hàng hóa, truy xuất nguồn gốc sản phẩm là “chìa khóa” nâng cao niềm tin của khách hàng với sản phẩm và cả doanh nghiệp.
 
Hoàn thiện quy định
 
Truy xuất nguồn gốc là hệ thống minh bạch thông tin về quá trình hàng hóa từ lúc sản xuất cho đến khi tới tay người tiêu thụ và đang dần trở thành xu thế tất yếu. Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp Việt đã hướng đến sản xuất thực phẩm đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC, HACCP… nhưng vẫn chưa đủ nghiêm ngặt cho chuẩn mực chất lượng. Người tiêu dùng cần có sự minh bạch hơn về sản phẩm có được kiểm soát chất lượng một cách nghiêm túc trong toàn bộ chuỗi cung ứng hay không. Trước bối cảnh đó, tháng 1-2019, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 100/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (gọi tắt là Đề án).
 
 
Truy xuất nguồn gốc giúp người tiêu dùng an tâm về tính minh bạch của sản phẩm từ lúc sản xuất đến tiêu thụ. Trong ảnh: Sản phẩm trưng bày tại một triển lãm ở TP Cần Thơ.
 
 Đề án nhằm hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, văn bản, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động truy xuất nguồn gốc để phục vụ hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa. Đồng thời nâng cao nhận thức của xã hội, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp về truy xuất nguồn gốc; đảm bảo công khai, minh bạch các thông tin truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường, cung cấp thông tin, kiến thức thiết yếu về truy xuất nguồn gốc… Theo đó, các bộ, ngành liên quan xây dựng, vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc, cơ sở dữ liệu sản phẩm, hàng hóa thuộc thẩm quyền, bảo đảm kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia, hoàn thành trước năm 2025.
 
Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ được giao thực hiện triển khai Đề án này. Thời gian qua, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan tại 63 tỉnh, thành, 8 Bộ chuyên ngành để xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai. Hiện đang phối hợp thực hiện nhiều nội dung liên quan truy xuất nguồn gốc như: Xây dựng thông tư hướng dẫn truy xuất nguồn gốc, xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về truy xuất nguồn gốc, hoàn thiện các tiêu chuẩn cho phù hợp với thông lệ quốc tế. Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng tích cực triển khai xây dựng cổng thông tin về truy xuất nguồn gốc, xây dựng các mô hình thí điểm về truy xuất nguồn gốc một số sản phẩm. Trong đó, đặc biệt hướng về những sản phẩm hàng hóa chủ lực, hàng hóa xuất khẩu…
 
Chuẩn bị vào cuộc
 
Tại TP Cần Thơ, công tác đẩy mạnh ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc thời gian qua được các sở, ban ngành quan tâm thúc đẩy. Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: Năm 2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên phạm vi toàn quốc”. Trên cơ sở đó, Sở hỗ trợ các đơn vị xây dựng mô hình chuỗi thực phẩm an toàn gắn với truy xuất nguồn gốc. Đến nay, đã xây dựng được 35 chuỗi thực phẩm an toàn với 106 sản phẩm nông-thủy sản. Đồng thời, phối hợp với Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa ứng dụng truy xuất nguồn gốc điện tử cho 4 sản phẩm cá thác lác của Công ty Cổ phần Thực phẩm Phạm Nghĩa, bước đầu hoạt động ổn định. Từ đây đến cuối năm 2019, Sở tiếp tục tuyên truyền và phấn đấu xây dựng 45 chuỗi thực phẩm an toàn với 150 sản phẩm trên địa bàn. Khi cổng thông tin về truy xuất nguồn gốc của thành phố hoàn thành và vận hành đã có nền tảng từ chuỗi sản phẩm an toàn, chỉ cần dán tem điện tử có thể thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Theo ông Trương Hoàng Phương, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, tháng 5-2019, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án gửi các bộ, ngành, địa phương góp ý hoàn thiện. Được biết, công nghệ sử dụng truy xuất nguồn gốc đã được Bộ thẩm định, cấp quyền sở hữu trí tuệ và được quốc tế công nhận. Ngay khi có Kế hoạch chính thức từ Bộ, Sở sẽ tiến hành xây dựng Đề án truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho thành phố. Trước mắt có thể làm thí điểm 5-10 sản phẩm chủ lực của thành phố và xây dựng cổng thông tin truy xuất nguồn gốc thành phố đảm bảo kết nối với cổng thông tin quốc gia thống nhất từ Trung ương đến địa phương, để thuận lợi truy xuất nguồn gốc hàng hóa ở bất cứ đâu. Ông Trương Hoàng Phương cho rằng: Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố đang xây dựng mô hình chuỗi thực phẩm an toàn. Sở Công thương triển khai chương trình sản xuất sạch hơn. Đây là cơ sở và điều kiện thuận lợi để thành phố xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm.
 
Trước sự ráo riết vào cuộc của các bộ, ngành và khẩn trương của địa phương, tin rằng trong thời gian không xa, hệ thống truy xuất nguồn gốc được vận hành đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Qua đó, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm Việt ở thị trường trong và ngoài nước.
 
Từ khóa :
CÁC TIN KHÁC